Lượt xem: 23382

Sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo hiện nay – nguyên nhân và giải pháp

Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, xã hội đang băn khoăn, lo lắng trước hiện tượng một bộ phận thầy, cô giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách, gây dư luận không tốt trong nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phụ huynh và học sinh.


Hội thảo chuyên đề “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”. Nguồn soctrang online

    Thời gian gần đây, qua báo chí và mạng xã hội cho thấy: bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, hun đúc nên sự vẻ vang của nền giáo dục nước nhà, thì xã hội cũng băn khoăn, lo lắng trước một bộ phận thầy, cô giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách và mang trong mình căn bệnh thành tích. Theo đó, một bộ phận thầy, cô giáo chạy theo lối sống kiếm tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò. Đau lòng hơn, còn có những thầy, cô lợi dụng uy tín của nhà giáo để thương mại hóa các hoạt động giáo dục, thậm chí vô tâm, có những hành động bạo lực, nhục hình xúc phạm nhân cách, danh dự học sinh,… Gần đây nhất, có những cán bộ quản lý và nhà giáo vì lòng tham mà tiếp tay cho nạn tiêu cực trong chấm thi, mua bán điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, như ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình; dư luận cũng đặt ra câu hỏi là còn hay không những nơi khác vi phạm tương tự?!

    Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của thầy, cô giáo, mà còn tác động xấu tới nhận thức của học sinh, niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung. Hơn nữa, những “tấm gương mờ” này cũng xuất hiện trong một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp của Đảng dưới những biểu hiện khác nhau. Hàng ngày, tuy vẫn đứng trên bục giảng truyền đạt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước, nhưng một số giảng viên còn thiếu phẩm chất, tư cách và năng lực làm thầy, để lại những tai tiếng không tốt, gây bức xúc trong học viên, nhà trường và dư luận xã hội.

    Nguyên nhân của tình trạng nói trên có nhiều, song tựu chung lại:

    Trước hết là các nguyên nhân khách quan:

    Một là, công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục và đào tạo chưa được coi trọng. Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và Ban Giám hiệu nhiều trường còn yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với giáo viên; chưa chủ động nắm bắt thông tin để ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vụ việc tiêu cực xảy ra tại các cơ sở giáo dục mà báo chí, dư luận phản ánh. Kỷ luật, kỷ cương, dân chủ của nhiều cơ sở giáo dục có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, tìm cách che đậy, bưng bít khuyết điểm, sai phạm của nhau. Vì vậy, một số giáo viên được đà “công thần”, ứng xử thiếu văn hóa, chuẩn mực với nhau, với học trò nhưng không được xử lý.

    Hai là, việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên bộc lộ nhiều bất cập. Một thời gian dài trước đây đã tồn tại quan niệm “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, ngó qua sư phạm”. Vì thế, đầu vào các trường sư phạm phần lớn là những em có điểm trung bình thấp, nên không chọn được những người yêu nghề và không đủ năng lực làm thầy. Đây là nguyên nhân gốc rễ khiến cho chất lượng người thầy không đáp ứng chuẩn nghề nghiệp như hiện nay.

    Hơn nữa, công tác đào tạo giáo viên lâu nay chưa coi trọng phát triển phẩm chất đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo của người học; chưa đưa vào chương trình đào tạo và cập nhật các tình huống ứng xử trong môi trường sư phạm cho những thầy cô giáo trong tương lai. Ngoài ra, ngành giáo dục một số địa phương chưa chú trọng công tác đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ, nên nhiều thầy cô giáo bị “tụt hậu” so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dẫn đến lúng túng trước những tình huống “khó xử”!

    Ba là, do tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là sự phân cực về mức sống không chỉ giữa các giai tầng trong xã hội mà ngay cả trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, đã tác động tới nhận thức của giáo viên. Trong bối cảnh đó, một bộ phận giáo viên có mức thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, buộc họ phải tự bươn chải kiếm sống, thậm chí không thể cưỡng lại được trước sức cám dỗ của vật chất, chạy theo lối sống kiếm tiền bằng những cách không trung thực, vị phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, tự đánh mất mình và mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của nhà giáo xấu dần trong mắt học trò.

    Thứ hai là các nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất, có không ít sinh viên chọn chưa đúng nghề khi học sư phạm. Đây là nguyên nhân sâu xa. Vì chọn chưa đúng nghề, nên không thể hạnh phúc và tâm huyết với nghề, không có ý chí phấn đấu để đạt chuẩn giá trị của đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, không thường xuyên tu dưỡng, hoàn thiện bản thân, vượt qua mọi thách thức, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp. Do đó, chỉ cần lơ là, chểnh mảng sẽ dẫn đến vi phạm đạo đức.

    Thứ hai, một số thầy cô giáo lầm tưởng rằng nghề giáo là nghề “nhàn hạ”, nhưng thực tế lại quá nhiều áp lực (từ nghề nghiệp, từ phụ huynh, học sinh, từ ngành giáo dục, từ truyền thông mạng, từ các phong trào do địa phương đưa ra,…), trong khi quỹ thời gian ít, lương thấp và đời sống khó khăn, chế độ đãi ngộ với nhà giáo còn kém hấp dẫn,… làm cho nhà giáo lo lắng và không an tâm với nghề nghiệp, thậm chí “đứng núi này, trông núi nọ”, ít chịu khó tìm hiểu các quy định của ngành về quyền hạn, trách nhiệm và những việc giáo viên không được làm, dẫn đến không kiểm soát chính mình, rồi sa sút đạo đức, có những hành vi không đúng chuẩn mực.

    Thứ ba, một bộ phận nhà giáo thiếu phương pháp sư phạm, thiếu tình thương yêu học sinh, thiếu sự kiên nhẫn và kinh nghiệm ứng xử trước áp lực công việc hàng ngày đã dẫn tới hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Thậm chí, thầy cô nói không đi đôi với làm nên học trò coi thường.


Ảnh minh họa. Nguồn TTXVN

    Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và sự trông đợi của nhân dân, cần thực hiện một số việc sau:

    Trước hết, đối ngành Giáo dục và Ban Giám hiệu các trường.

    (1) Cần tăng cường và thường xuyên quan tâm công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo để khơi dậy trách nhiệm, nhiệt huyết và lương tâm nghề nghiệp trong mỗi nhà giáo, để họ có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cũng như sự phát triển của đất nước.

    (2) Ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương, Ban Giám hiệu các trường phải cụ thể hóa những quy định thành chuẩn mực đạo đức phù hợp với tình hình thực tế, để nhà giáo phấn đấu và là tiêu chuẩn để đánh giá quá trình tu dưỡng, rèn luyện của nhà giáo. Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn, xử lý nghiêm những sai phạm của một số giáo viên vi phạm tư cách và đạo đức nhà giáo.

    (3) Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hai cuộc vận động: "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm"; đồng thời, triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” đã được Chính phủ phê duyệt. Quan tâm chăm lo đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất (cả vật chất và tinh thần trong điều kiện có thể) để nhà giáo làm việc và cống hiến. Kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân.

    (4) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo để lan tỏa toàn ngành, tác động tích cực tới cộng đồng xã hội.

    Thứ hai, đối với bản thân mỗi nhà giáo.

    (1) Phải thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo trên cơ sở tự giác thực hiện nghiêm túc việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cũng như các quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức. “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”.

    (2) Mỗi nhà giáo phải luôn làm mới chính mình bằng những tri thức mới, những thông tin mới, bài giảng mới. Cần thuyết phục người học bằng chính sự uyên bác về kiến thức, trình độ chuyên môn và trí tuệ của mình. Các thầy, cô giáo cần có thái độ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng, những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo. Hơn nữa, trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị bị chi phối bởi đồng tiền, do đó người thầy phải biết giữ mình, tránh xa mọi cám dỗ tầm thường, giữ cho tâm hồn trong sáng, mọi hành vi phải nâng lên thành văn hóa trong đối nhân xử thế, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất.

    (3) Hơn lúc nào hết, mỗi nhà giáo phải tự học, tự rèn để vừa “hồng”, vừa “chuyên”, mà hơn hết là phải có cái “tâm” với nghề như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đã là nhà giáo thì phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Chỉ có lòng yêu nghề, tâm huyết, tận tụy với nghề mới giúp cho nhà giáo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, được nhân dân yêu mến, xã hội tôn vinh. Đây là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với chuyên môn; biết vươn lên để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy, tinh thần trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành thầy cô giáo tốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Kiên Trung


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 96
  • Hôm nay: 5520
  • Trong tuần: 76,227
  • Tất cả: 11,799,547